Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích sản xuất muối duy trì 14.500 ha, sản lượng đạt 1.500.000 tấn/năm, đến năm 2030 diện tích sản xuất muối còn 14.244 ha, sản lượng đạt 2 triệu tấn/năm. Nghề làm muối ở nước ta có truyền thống từ lâu đời. Hiện nay, cả nước có 21 tỉnh ven biển sản xuất muối nhưng diện tích sản xuất muối tập trung chính ở các tỉnh như: Bạc Liêu, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Khánh Hòa, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định,Thanh Hóa...
Ngành muối liên tục đi xuống. Tuy vậy, trong quá trình phát triển và hội nhập, ngành muối cũng có những bước thăng trầm, như sản xuất chưa ổn định, sản lượng tăng giảm thất thường, năng suất làm nghề muối thấp, chất lượng muối kém do chủ yếu vẫn sản xuất thủ công.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích sản xuất muối duy trì 14.500 ha, sản lượng đạt 1.500.000 tấn/năm. |
Nếu như cách đây 20 năm về trước, tổng diện tích cánh đồng muối lên gần 30 nghìn ha, thì đến năm 2015, cả nước có tổng diện tích sản xuất muối chỉ còn xấp xỉ 15,2 nghìn ha, sản lượng muối đạt 1.504 nghìn tấn. Đến năm 2019, diện tích sản xuất muối cả nước chỉ còn 13,4 nghìn ha, sản lượng muối đạt xấp xỉ 966 nghìn tấn.
Trong khi, nhu cầu sử dụng muối hàng năm khoảng 1,5 triệu tấn. Thu nhập của diêm dân làm muối nhìn chung hiện tại rất thấp. Đặc biệt, ở huyện Hải Hậu Nam Định nếu như năm 1986 có 602 ha ruộng sản xuất muối, thì đến hiện nay chỉ còn hơn 10 ha. Bình quân mỗi hộ gia đình tại đây với 2 lao động mỗi ngày chỉ sản xuất được bình quân 20 kg muối, bán được chưa tới 30 nghìn đồng.
Trong sự lao đao của ngành muối đã diễn ra suốt 15 năm qua, nghành muối vẫn có những điểm sáng, đó là: sản phẩm muối của Việt Nam đã chinh phục thành công các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... với số lượng xuất khẩu ngày càng tăng. Cụ thể, lượng xuất sang Nhật Bản đạt 2.000 tấn/năm; Mỹ đạt 800 tấn/năm.
Chính vì vậy, trong Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích sản xuất muối duy trì 14.500 ha, sản lượng đạt 1.500.000 tấn/năm; đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối; máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến muối gắn với thị trường. Phát triển sản xuất các loại muối đáp ứng nhu cầu trong nước, chú trọng hỗ trợ đồng bộ phát triển sản xuất muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp, có lợi cho sức khỏe. Đến năm 2030, tổng diện tích sản xuất muối 14.244 ha, sản lượng đạt 2 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu trong nước.
Đề án cũng đề ra: Phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.
Đa dạng hóa các sản phẩm muối. Về đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối, Quyết định nêu rõ: Đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp hóa chất, nguyên liệu cho chế biến muối tinh cao cấp tại các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Đối với sản xuất muối thủ công, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối cho người dân sản xuất muối gắn với hỗ trợ xây dựng các mô hình chế biến, đa dạng hóa sản phẩm muối nhằm nâng cao giá trị gia tăng tại các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Việt Nam là nước được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triền nghề muối. |
Theo Đề án, Nhà nước sẽ có những cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống thiết bị chế biến, phân tích chất lượng muối, mẫu mã, bao bì cho các cơ sở sản xuất chế biến muối vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu thị trường; đầu tư, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; mô hình thí điểm sản xuất muối kết hợp du lịch nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng; mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch; mô hình sản xuất muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp, có lợi cho sức khỏe.
Khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống kho bảo quản muối, bảo đảm muối dự trữ phục vụ sản xuất kinh doanh, mua tạm trữ muối.
Đối với sản xuất muối theo quy mô công nghệ phơi nước tập trung, nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản suất muối theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, đồng bộ các khâu từ cung cấp nước biển đế thu hoạch, vận chuyển, làm sạch và đánh đống bảo quản muối; nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin trong việc đo và xử lý số liệu về nồng độ nước biển, bức xạ nhiệt, gió trong quá trình sản xuất muối.
Nhiệm vụ khác của Đề án là tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm muối...
Nguồn https://vnbusiness.vn/